Có thể nói nền ẩm thực Việt Nam rất đa dạng và phong phú, từ những món ăn mặn cho đến các món bánh. Những chiếc lá chuối, lá dừa tuy không đem lại chất dinh dưỡng nhưng cũng góp phần không nhỏ tạo nên nét đặc trưng cho những món ăn mang đậm hương vị Việt.
Bánh tẻ
Bánh tẻ, hay còn được gọi với cái tên bánh răng bừa, đây loại bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói bằng lá dong hoặc lá chuối và được luộc chín. Ở những địa phương khác nhau thì đều có phương pháp chế biến riêng nhưng đều phải qua 2 công đoạn chính là làm nhân và vỏ bánh.
Gạo làm phần vỏ bánh được xay thành bột nước, sau đó đun nhỏ lửa, trong lúc đun phải liên tục khuấy để bột mềm và bị vón thành từng cục. Nguyên liệu để làm nhân bánh tẻ truyền thống gồm gạo tẻ, thịt lợn vai, mộc nhĩ. Nhiều địa phương có thể cho thêm lạc, nấm hương. Sau khi đã xong vỏ và nhân, người làm lấy một lượng vừa đủ phần bột đã cô đặc, đặt lên lá dong rồi rải thịt lên lớp bột rồi cuốn lại theo hình thuôn dài và luộc chín.
Bánh lá dừa
Về với miền Tây sông nước, bạn sẽ bắt gặp những người bán hàng rong với các xâu bánh thon dài màu vàng. Đó chính là bánh lá dừa – đứa con cưng của miền Tây Nam Bộ.
Tuy bánh lá dừa nhỏ bé là vậy nhưng để làm thật ngon, thật đậm đà hương vị thì không phải là chuyện đơn giản chút nào. Gạo phải là loại nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho thấm nước. Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch. Những quả dừa khô nhưng không được quá già rồi nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Còn phần nhân của bánh có thể là cơm dừa băm nhuyễn, đậu xanh, thêm chút muối hoặc chỉ đơn giản là chuối ướp đường.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp , bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân, tạo thành món ăn không thể quên.
Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là 2 loại bánh cổ truyền trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt, từ xa xưa. Cha ông ta đã biết tận dụng những loại lá chuối, lá dong để gói bánh và đã trở thành tục lệ được truyền mãi cho tới thế hệ đến nay.
Những đòn bánh tét, những cặp bánh chưng được gói cẩn thận và nấu chín với hình dạng tròn của bánh tét, vuông của bánh chưng. Khi nấu xong nhuộm lên một màu xanh lục ngoài vỏ khi bóc từng lớp lá. Hương vị đặc trưng của gạo nếp quyện với hương đậu và thịt nạc luôn khiến người thưởng thức nhớ về cội nguồn.
Bánh ít
Trong kí ức của nhiều người Việt, bánh ít là một món quà mà đứa trẻ nào cũng háo hức ngóng đợi mỗi lần mẹ đi chợ về. Bánh ít được làm từ bột nếp và bột đậu xanh với phương pháp hấp cách thủy, nhân bánh được xào chín trước khi gói cẩn thận bằng lá gai hoặc lá chuối tơ.
Chiếc bánh ít hình tam giác nằm gọn trong lòng bàn tay, khi mở từng lớp lá và cắn thật vội vào lớp bột dai dai còn nóng, cảm nhận nhân thịt thơm ngon đến ngất ngây hòa quyện với mùi bột là một trải nghiệm tuổi thơ mà nhiều người luôn muốn tìm về.
Bánh rợm
Bánh rợm của người dân tộc Tày là thứ bánh vô cùng phổ biến, mộc mạc mà để lại biết bao thương nhớ. Ngày tết, món bánh rợm là biểu tượng của sự no đủ và ấm êm. Theo lời kể của bà con người Tày, cái tên bánh rợm được nói lái từ rơm, xuất phát từ mùa rơm vàng, khi mới thu hoạch lúa nếp, rơm vàng được phơi dọc khắp bản làng và nương rẫy, thơm ươm vào gió, nên bà con lấy tên đó để đặt cho một loại bánh thơm ngon như thế.
Bánh làm từ gạo nếp nương, đỗ xanh hoặc thịt lợn, tùy theo khẩu vị từng gia đình. Bánh chín, chiếc lá chuối mềm, bóng, bóc lớp lá ra, lớp bột mịn, thơm dẻo, ngon lành. Càng nhai kĩ, càng cảm nhận rõ vị dẻo thơm, mềm, bùi quyện trong miệng, rất bình dị mà ấm cúng, da diết, tựa như hơi thở của quê hương.
Bánh nậm
Không biết từ bao giờ, người Việt Nam, dù ở bất cứ vùng miền nào đều đã phải lòng món bánh mỏng được gói trong lá chuối có cái tên là lạ: bánh nậm. Bánh nậm trắng ngần điểm nhụy tôm hồng, mặt bằng hình chữ nhật, lát mỏng thanh thanh, kèm với chả tôm, trở thành một món ăn độc đáo, hòa hợp giữa cách ăn bình dân và quý tộc.
Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày rằm, mồng một.
Bánh giò
Bánh giò là loại bánh ăn vặt quen thuộc của người dân Hà Nội. Không giống như các loại làm từ bột nếp, bánh giò được làm từ bột gạo tẻ và bột năng nên bánh khá mềm. Nhân bánh là sự kết hợp của thịt băm, hành khô, mộc nhĩ, nấm hương… sau đó được gói bằng lá chuối, bởi bánh được gói trong lá chuối nên vỏ bánh cũng có màu xanh nhạt trông rất bắt mắt.
Lá chuối để gói bánh giò thường được phơi héo sau đó lau cho thật sạch và để khô, xếp vào phễu để thành khuôn rồi cho bánh vào rồi sau đó sử dụng dây lạt buộc bánh lại. Bánh sau khi gói cho vào chõ hấp chừng 30 phút là chín.
Bành tò te
Đây là loại bánh có nguồn gốc từ một số tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam. Bánh tò te ngay từ cái tên nghe vui tai, lạ miệng cũng gợi cho người ta tò mò về bánh. Thực ra, bánh được gói từ lá chuối, mà lá chuối trong trò chơi dân gian trẻ con thường dùng để cuộn lại, thổi kèn phát ra âm thanh tò te…tò te, có lẽ cái tên bánh cũng xuất phát từ cách lý giải thân thương đó.
Luộc bánh cũng là công đoạn vô cùng quan trọng, theo những người dân làng có kinh nghiệm chỉ cần đun từ ba đến bốn tiếng, khi thấy khói bốc nghi ngút, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt là lúc bánh đã chín. Chiếc bánh tò te được vớt ra phải giữ được màu xanh mướt của lá chuối, bánh chín mềm, có màu trong xanh của gạo nếp, màu tím của đỗ đen, bánh mềm mà béo ngậy, ngọt bùi, cắn miếng bánh phải dẻo thơm thế mới đạt tiêu chuẩn.
Bánh ú
Bánh ú, còn được gọi là bánh bá trạng, là một loại bánh người Việt dùng để cúng tổ tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ.
Bánh ú được gói bằng lá chuối hoặc lá dong, bánh ú là một món dân dã với những nguyên liệu như nếp, đậu phộng, nấm đông cô, đậu xanh, lạp xưởng, trứng vịt muối, thịt mỡ, tôm khô. Hao hao giống bánh ít, bánh ú cũng là một món bánh nằm trong lá không thể thiếu của người Việt Nam.
Bánh gai
Bánh gai hay bánh ít là một món bánh đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, bánh gai có hình vuông, kích thước vừa bằng bàn tay. Ở Bình Định hay một số tỉnh miền Trung khác, bánh ít lá gai hình chóp nhọn, cũng là món ăn có hương vị và cách chế biến tương tự.
Lá gai khi được mang về người làm bánh sẽ rã ra, luộc lên và trộn với bột nếp sẽ được nặn hình tròn làm vỏ bánh. Nhân bánh thường gồm đỗ xanh nấu chín, dừa, hạt sen… thái nhỏ trộn lẫn. Sau khi đặt nhân vào bên trong, bánh sẽ được gói bằng lá chuối bên ngoài và cho vào chõ đồ lên. Khi bóc bánh sẽ không thấy màu xanh lục như bánh chưng hay bánh tét mà bánh gai thường có màu đen. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm ngậy của nhân bánh, mát dẻo của vỏ bánh. Món bánh này thường được thưởng thức như đồ tráng miệng.
Những chiếc bánh mặn, ngọt ẩn mình trong lớp lá chuối, lá dứa thơm phức, đem lại một mùi vị rất đặc trưng cho từng món bánh. Cùng khám phá các loại bánh “ẩn mình trong lá” đậm hương vị Việt này nhé!