Sản phm ã được thêm
XEM GI HÀNG
ÓNG
MINH HUY Foods
Hotline 0336316194
GIỎ HÀNG 0
Menu

Kỹ thuật lưu giữ, vận chuyển cá ngừ đại dương giống

03/07/2015 SỨC KHỎE DINH DƯỠNG

I. MỞ ĐẦU

Một trong những nội dung chính của đề tài KC06-07/06-10 “Nghiên cứu ngư trường và công nghệ khai thác cá ngừ đại dương giống phục vụ nuôi thương phẩm” do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì là nghiên cứu kỹ thuật lưu giữ, vận chuyển cá ngừ đại dương giống (cá ngừ vây vàng: Thunnus albacares; Cá ngừ mắt to: Thunnus obesus) sau khi khai thác từ ngoài biển về cơ sở nuôi.

Đề tài đã sử dụng lưới vây, khai thác và dồn thành công cá ngừ đại dương giống (CNĐDG) vào trong lồng vận chuyển. Lồng đã được tàu kéo về bờ và đã vận chuyển an toàn 748 con CNĐDG (chuyến biển 3/2010: 228 con; chuyến 4/2010: 520 con), trong đó đã giao 570 con cho cơ sở nuôi của Công ty 128 Hải Quân tại Cam Ranh-Khánh Hoà.

Bài viết này sẽ trình bày một số khâu kỹ thuật quan trọng liên quan đến việc vận chuyển CNĐDG, nhằm đảm bảo tỉ lệ chết của cá thấp, cá vẫn sống khoẻ mạnh sau hành trình kéo lồng dài ngày.

I. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 

1. Tài liệu: 

Tham khảo, sử dụng các tài liệu về nghề nuôi cá ngừ đại dương của nước ngoài [1],[2],[3]; các thông tin thu thập được từ các chuyến tham quan Oxtraylia, Đài Loan. Các tài liệu này nói chung không đầy đủ, vì vậy đề tài phải tự nghiên cứu tìm hiểu và hoàn thiện thêm.

2. Phương pháp nghiên cứu:

  • Tự thiết kế và chế tạo lồng vận chuyển cá ngừ đại dương giống.
  • Do kích thước các tàu cá của nước ta quá nhỏ nên đề tài đã phải tự tính toán, thiết kế lồng vận chuyển, sao cho lồng có kích thước đủ lớn, phù hợp với sức kéo của tàu cá Việt Nam; Lồng phải có độ bền cao, chịu được sóng gió biển khơi.
  • Sử dụng 2 tàu cá, công suất máy mỗi tàu là 340cv và 270cv, để kéo lồng cá từ ngư trường khai thác xa 250 hải lý về Cam Ranh.
  • Thực nghiệm các phương án liên quan đến kỹ thuật vận chuyển CNĐDG như tốc độ kéo lồng; chế độ kéo lồng; chế độ cho cá ăn; theo dõi tỉ lệ cá bị chết trong quá trình kéo…

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 

1. Lồng vận chuyển cá ngừ đại dương giống

Cá ngừ đại dương giống có tốc độ bơi nhanh, rất linh hoạt, quen hoạt động ở biển khơi, khối lượng cá thể lớn (2-5 kg/con), rất dễ bị chết nếu bắt cá lên khỏi mặt nước để đưa vào các thùng bảo quản, nên không thể áp dụng các hình thức vận chuyển như: Thùng chứa cá giống; Túi oxy; Thuyền thông thuỷ … để vận chuyển chúng được.

Biện pháp vận chuyển duy nhất và thành công nhất hiện nay là sử dụng lồng vận chuyển [1],[2]. Nguyên lý vận chuyển cá ngừ đại dương giống là sử dụng tàu kéo lồng áp sát vào lưới vây; liên kết “cửa lồng” với giềng phao lưới vây và mở “cửa lồng”; dồn để cá tự bơi từ lưới vây sang lồng; sau đó khép cửa lồng và kéo lồng rời khỏi lưới vây đến địa điểm tập kết để ổn định cá trước khi kéo lồng về bờ.

Để đảm bảo vận chuyển cá ngừ đại dương giống an toàn với tỉ lệ cá chết thấp, kết cấu lồng vận chuyển phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Lồng phải có kích thước đủ lớn để đảm bảo không gian bơi cho cá vì cá ngừ đại dương giống rất linh hoạt, quen sống ở vùng biển khơi [3]. Tuy nhiên kích thước lồng cần phải phù hợp với sức kéo của tàu cá Việt Nam.
  • Lồng phải có hình dạng phù hợp với tập tính bơi của cá ngừ. Lồng vận chuyển do đề tài thiết kế và chế tạo có hình trụ tròn, như vậy cá có thể bơi vòng quanh thành lồng mà không bị húc vào góc lồng như đối với các lồng hình hộp chữ nhật.
  • Lưới bọc lồng phải là lưới không nút để tránh cọ sát với cá; Mắt lưới phải là mắt lưới vuông.
  • Lồng phải có “cửa lồng” để nhận cá dồn từ lưới vây sang.
  • Lồng phải đủ sức nổi, độ bền chắc để chịu tải trọng lớn khi kéo và sóng gió biển khơi.

Căn cứ vào các yêu cầu trên, đề tài đã thiết kế, thi công lồng và  đã vận chuyển an toàn cá ngừ đại dương giống về bờ. Các thông số của lồng do đề tài thiết kế như sau: Lồng có dạng hình trụ tròn; Đường kính miệng lồng 13m; Chiều cao lồng 8m; Lưới bọc lồng là lưới không nút, kích thước mắt lưới 80mm, độ thô chỉ lưới 4mm, sử dụng mắt lưới vuông; Cửa lồng có kích thước chiều ngang 6m, chiều cao 3,5m. tàu kéo lồng cần phải có công suất máy chính trên 600 cv.

2. Tốc độ kéo lồng

Sử dụng tốc độ kéo lồng phù hợp là hết sức quan trọng, có tính quyết định đến khả năng sống sót của cá ngừ đại dương giống. Nếu sử dụng tốc độ kéo quá cao, cá ngừ trong lồng sẽ không đủ sức bơi theo trong suốt hành trình dài hàng trăm hải lý, kết quả là cá sẽ bị chết hàng loạt.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các nước có nghề nuôi cá ngừ phát triển, đồng thời căn cứ vào quan sát từ thực tế vận chuyển cá trên biển, đề tài đã lựa chọn tốc độ kéo lồng không vượt quá 1,5 hải lý/giờ.

Trong quá trình kéo lồng còn phải lưu ý đến tốc độ của các dòng hải lưu, nếu kéo lồng ngược hay chếch dòng hải lưu thì cần phải có sự điều chỉnh tốc độ kéo hợp lý, sao cho tốc độ tương đối không vượt quá 1,5 hải lý/giờ.
Thời gian kéo lồng thực tế do đề tài thực hiện từ ngư trường xa 250 hải lý tới điểm tập kết là Cam Ranh – Khánh Hoà mất 9 – 15 ngày tuỳ thuộc vào tình hình sóng gió khi kéo lồng.

3. Mật độ cá ngừ đại dương giống nhốt trong lồng vận chuyển

Đối với các lồng nuôi cá ngừ đại dương, người ta thường sử dụng mật độ cá nhốt trong lồng là 4 kg/m3 [3]. Tuy nhiên mật độ cá nhốt trong các lồng kéo cần phải thấp hơn vì phải tính đến tốc độ chuyển động của lồng, ngoài ra cá thường bị dạt về phía sau lồng trong quá trình kéo.

Căn cứ vào kích thước thực tế của lồng vận chuyển do đề tài sử dụng trong nghiên cứu; căn cứ vào các yêu cầu nêu trên, đề tài đã chọn mật độ cá nhốt trong lồng là 2 kg/m3.

Từ kết quả đánh bắt cho thấy, khối lượng cá thể của cá ngừ đại dương giống

khai thác được đạt 2 – 4 kg/con. Như vậy có thể nhốt không quá khoảng 600 con cá ngừ đại dương giống trong lồng vận chuyển do đề tài chế tạo.

4. Kỹ thuật cho cá ăn trong quá trình vận chuyển

– Mồi cho cá ngừ đại dương giống ăn:

Mồi cho cá ngừ đại dương giống ăn chính là các loài cá nổi nhỏ còn tươi hoặc ướp lạnh. Vì vậy trước khi kéo lồng từ ngư trường về bờ, tàu kéo lồng phải chuẩn bị đầy đủ mồi ăn cho cá ngừ nhốt trong lồng. Mồi cần được bảo quản lạnh cẩn thận để đảm bảo chất lượng mồi tươi, không bị ươn thối. Khối lượng cá mồi cho ăn mỗi ngày bằng 5% khối lượng cá ngừ chứa trong lồng. Cần phải dự trù mồi ăn cho cá ngừ nhốt trong lồng đủ dùng trong khoảng 10-15 ngày tuỳ theo khoảng cách ngư trường và tình hình thời tiết.

– Kỹ thuật cho ăn:

Mỗi ngày cho cá ngừ đại dương giống ăn 2 lần vào khoảng 7-8 giờ sáng và 4-5 giờ chiều. Tàu kéo lồng theo chu kỳ: Sau khi kéo 4 giờ liên tục sẽ cho cá nghỉ 30 phút. Bố trí thời gian nghỉ chùng vào các thời điểm nói trên để cho cá ngừ ăn.

5. Qui trình kéo lồng

Sau khi lồng vận chuyển đã nhận xong cá ngừ dồn từ lưới vây sang, cửa lồng đã được khép lại, tàu kéo sẽ kéo lồng tách khỏi lưới vây và bắt đầu quá trình vận chuyển cá ngừ đại dương giống.

5.1. Sơ đồ qui trình vận chuyển cá ngừ đại dương giống:

Ổn định cá trước khi kéo => Chuẩn bị kéo lồng => (Kéo lồng => Cho cá nghỉ) x Nhiều chu kỳ => Dồn cá vào lồng nuôi.

5.2. Diễn giải qui trình:

+ Ổn định cá trước khi kéo:

Sau khi lồng đã nhận đủ cá, tàu kéo sẽ kéo lồng tách khỏi lưới vây di chuyển đến vị trí neo lồng để ổn định cá. Cần phải làm việc này vì cá ngừ đại dương giống rất dễ bị “stress” sau khi bị vây bắt và dồn đuổi từ lưới vây sang lồng. Chúng có thể bị chết hàng loạt nếu ta xử lý khâu dồn cá sang lồng không tốt.
Thời gian ổn định cá diễn ra trong khoảng 5-6 giờ. Trong thời gian này cần phải giữ yên tĩnh, để cá quen dần với tình trạng bị nhốt trong lồng, không nên có những hoạt động bơi lặn ở trong lồng gây sợ hãi cho cá.

+ Chuẩn bị kéo lồng:

Trước khi tàu nhổ neo kéo lồng về bờ, cần tiến hành công tác chuẩn bị, bao gồm:

  • Kiểm tra toàn bộ hệ thống lồng vận chuyển, bao gồm kiểm tra lưới bao quanh lồng; hệ thống dây giềng lực; hệ thống khung lồng và chì dằn đáy lồng; hệ thống dây kéo lồng; hệ thống máy chính của tàu kéo. Nếu thấy có hư hỏng cần phải sửa chữa ngay.
  • Kiểm tra lượng cá mồi, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cần thiết. Nếu thiếu phải bổ sung ngay.
  • Lên kế hoạch kéo lồng, trong đó cần chú ý các điểm sau: 1) Cần tránh những vùng có dòng hải lưu mạnh chảy ngược, nếu buộc phải chạy qua thì phải chạy chếch hướng dòng hải lưu để hạn chế ảnh hưởng đến tốc độ kéo lồng. 2) Cần tránh kéo lồng quá gần bờ để không bị ảnh hưởng của dòng nước ngọt mang phù sa do các sông đổ ra biển. 3) Chú ý đến diễn biến của thời tiết để vạch ra đường kéo lồng ngắn nhất, phù hợp và an toàn nhất.

+ Kéo lồng:

Có thể sử dụng 1 hoặc 2 tàu để kéo lồng với tổng công suất máy tàu phải trên 600 cv. Trong quá trình kéo phải luôn đảm bảo tốc độ kéo (tốc độ tương đối so với nước) không vượt quá 1,5 hải lý/giờ. Khoảng cách từ tàu kéo đến lồng phải đạt 200m để xoáy nước của chân vịt tàu không ảnh hưởng đến cá trong lồng. Tàu kéo lồng theo chu kỳ: Sau khi kéo 4 giờ liên tục sẽ cho cá nghỉ 30 phút và cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi kéo lồng về đến địa điểm giao nhận cá.

Trong quá trình kéo cần thường xuyên quan sát biểu hiện của cá trong lồng, nếu thấy cá có biểu hiện không bình thường có thể điều chỉnh tăng thêm thời gian nghỉ cho cá. Đảm bảo cho cá ăn đầy đủ 2 lần/ngày. Ngoài ra luôn quan sát, phát hiện ngay các hư hỏng của lồng để có kế hoạch sửa chữa kịp thời.
Trong chuyến biển nghiên cứu tháng 4/2010, 551 con cá ngừ đại dương giống đã được đưa vào lồng, hành trình kéo lồng trên biển 9 ngày, số cá bị chết trong quá trình kéo lồng là 31 con; đạt tỉ lệ chết khá thấp 5,6%.

+ Dồn cá vào lồng nuôi:

Liên kết cửa lồng vận chuyển vào giềng phao của lồng nuôi. Hạ cửa lồng xuống, từ từ nâng đáy lồng vận chuyển lên, cá sẽ nhanh chóng bơi sang lồng nuôi.

Cần phải tính toán trước số lượng cá dự kiến nuôi trong lồng nuôi dựa trên mật độ nuôi cho phép không quá 4 kg/m3 . Tuy nhiên đường kính lồng nuôi phải đạt trên 20m; độ sâu lồng nuôi phải trên 15m mới đủ tiêu chuẩn nuôi cá ngừ đại dương.

Việc đếm số lượng cá bơi sang lồng nuôi bằng cách cho người lặn xuống lồng để đếm hoặc dùng camera quay dưới nước (việc này có thể có sai số). Sau khi đã nhận đủ số lượng cá cần thiết vào lồng nuôi, nhanh chóng khép cửa lồng và lồng vận chuyển lại tiếp tục dồn cá sang các lồng còn lại (nếu còn cá).

IV. THẢO LUẬN 

Việc thí nghiệm vận chuyển CNĐDG diễn ra ở qui mô lớn, trong điều kiện sóng gió biển khơi, nên rất khó có thể tiến hành thí nghiệm theo các phương án khác nhau để rút ra những thông số tối ưu như trong phòng thí nghiệm được, Vì vậy mỗi thông số được đề xuất trong bài viết này đều dựa trên những kết luận của các tài liệu khoa học có liên quan, kết hợp với các nghiên cứu từ thực tế của đề tài theo phương châm phù hợp nhất với trình độ sản xuất còn hạn chế của Việt Nam.

Lồng vận chuyển CNĐDG do đề tài thiết kế đã phải tính đến sự phù hợp với sức kéo của tàu cá Việt Nam. Ottolenghi F. vàđồng tác giả (2004) cho rằng các lồng nuôi và lồng vận chuyển CNĐDG cần có đường kính tối thiểu 30m, cao 20m. Trong khi để tàu 600 cv của Việt Nam có thể kéo được lồng với tốc độ 1,5 hải lý, đường kính của lồng chỉ có thể là 13m và chiều cao lồng 8m. Để giảm tỉ lệ chết của cá do kích thước của lồng vận chuyển nhỏ, đề tài đã quyết định giảm mật độ cá lưu giữ trong lồng từ 4 kg/m3 (theo kinh nghiệm nước ngoài) xuống còn 2 kg/m3. Kết quả là đã vận chuyển thành công CNĐDG với tỉ lệ cá chết thấp tương đương như của nước ngoài.

V. KẾT LUẬN 

Phương pháp vận chuyển cá ngừ đại dương giống bằng lồng là phương pháp vận chuyển khả thi nhất và duy nhất hiện nay. Thành công của đề tài là đã sử dụng lồng có kích thước nhỏ (để phù hợp với sức kéo của tàu cá Việt Nam), với khối nước trong lồng nhỏ hơn so với các lồng vận chuyển của nước ngoài tới 13,3 lần, vẫn vận chuyển thành công cá ngừ đại dương giống an toàn về cơ sở nuôi. Kết quả nghiên cứu của đề tài đáp ứng được khâu kỹ thuật rất quan trọng về cung cấp con giống để phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương trong tương lai.

Bản tin Quý  Số 18 – Tháng 10/2010

Nguyễn Long – Nguyễn Văn Kháng – Phạm Văn Tuấn & CTV

BÌNH LUẬN FACEBOOK

Hiện tại Công ty tập trung phân phối Hàng đông lạnh, thịt đông lạnh cả Miền Nam được lưu trử kho lạnh.
Đơn hàng đầu tấn, tạ lấy ở các kho: KHÁCH LỄ NHẬN TẠI : 110/20/03/ BÀ HOM .P13.Q6. HCM
KHÁCH LẤY TRÊN 1 TẤN NHẬN TẠI 107/41D LẠC LONG QUÂN P03.Q11 HCM
Đơn hàng sĩ số lượng lớn:
Kho meito Bình Dương, Kho Vạn Đạt, Kho Transimex Q9, Kho Hoàng Hà Tân Bình, Kho Á Châu -Automated.vv

CÙNG CHỦ ĐỀ

TÌM ĐẠI LÝ

Hotline/ Zalo
0336316194 24/24
Tìm đại lý phân phối
Tìm đối tác trên toàn quốc
Cam kết giá tốt
Đảm bảo giá sỉ tốt nhất

GỬI YÊU CẦU BÁO GIÁ VÀ HỖ TRỢ

Yêu cầu báo giá
Cần ghi rõ từng mặt hàng, số lượng cụ thể để được báo giá nhanh nhất! Hoặc gọi 01636316194
Nhập capcha