“Trung thu là Tết thiếu nhi”. Cứ mỗi dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9, người lớn lại hát trêu nhau như vậy. Tôi lớn lên với một niềm tin mãnh liệt rằng Trung thu là ngày đặc biệt nhất của bọn trẻ con, ngày còn quan trọng hơn cả sinh nhật. Đó là ngày mà tất cả những đứa trẻ đều trở thành “ông hoàng bà chúa” nhí, khi chúng được cưng chiều, được cho ăn uống thỏa thích, được mua quần áo mới và đèn ông sao.
Làm sao mà không tin được, khi dẫu hoàn cảnh còn hạn chế tới đâu, người lớn thời ấy vẫn nghĩ ra đủ món ngon để chiêu đãi bọn trẻ. Ngày nay, chúng ta ngán ngấy khi nghĩ đến bánh nướng bánh dẻo năm nào cũng ăn, nhưng ngày xưa, đấy là món quà vặt xa xỉ. Chính vì thế, nên bánh nướng, bánh dẻo không quá phổ biến, và các gia đình nghĩ ra nhiều món quà vặt rẻ tiền hơn cho trẻ con. Cũng vì thế, kí ức về mâm cỗ Trung thu xưa giản dị hơn, mộc mạc hơn, nhưng cũng đầy màu sắc hơn hẳn bây giờ.
Nhớ mùa Trung thu xưa ngoài bánh nướng bánh dẻo còn có những món quà chứa cả bầu trời tuổi thơ
Cốm và chuối trứng cút
Tôi không nhớ lần đầu tiên mình ăn cốm và chuối trứng cuốc là khi nào, nhưng vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu nhìn thấy bàn tay mẹ cẩn thận bóc vỏ chuối tiêu đã chín mềm, xếp lên bọc cốm non. Thời khắc ấy, tôi quả quyết món ăn này… rất ngon. Trẻ con ăn bằng mắt trước tiên, mà cái màu vàng ươm của chuối trên nền cốm xanh nõn đã đủ khiến bọn trẻ thòm thèm.
Nhớ mùa Trung thu xưa ngoài bánh nướng bánh dẻo còn có những món quà chứa cả bầu trời tuổi thơ – Ảnh 2.
Đối với bọn trẻ, Trung thu đơn giản là mùa ăn chơi. Nhưng đối với người lớn, đó là thời điểm bung nở của sự sống. Trời đất ủ tinh hoa suốt một mùa hè, dường như chỉ đợi đến mùa thu để tung ra bao thức quà ngon. Có những đặc sản chỉ ăn vào mùa thu mới ngon, như cốm vậy. Cốm non dịp Trung thu, tức đầu tháng 9, là đạt đến đỉnh cao của hương vị: dẻo, mềm, thoang thoảng vị ngọt rất thanh và cái béo nhẹ nhàng như sữa non. Để thêm thắt cho đúng tinh thần “tết thiếu nhi”, người ta nghĩ ra cách ăn cốm với chuối tiêu (loại chuối ta khi chín mềm sẽ có đốm đen, nên còn được gọi là chuối trứng cút). Chuối bóc vỏ, ăn đến đâu thì chấm cốm đến đó. Cái dẻo thơm tinh tế của cốm hòa với vị ngọt nồng của chuối, tưởng không liên quan mà lại ăn ý lạ thường.
Quả hồng
Mâm cỗ xưa có xanh của cốm, vàng của chuối, thì cũng phải có cái đỏ rực nồng nàn của quả hồng chín, mà tôi đồ là mang mục đích thẩm mĩ là chính, “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng”. Quả thật, so với các loại bánh trái hay cốm ngọt ngào, quả hồng không quá hấp dẫn về mặt hương vị, nhưng tết Trung thu xư mà thiếu màu đỏ của hồng thì trong “mất nhiệt” hẳn.
Nhớ mùa Trung thu xưa ngoài bánh nướng bánh dẻo còn có những món quà chứa cả bầu trời tuổi thơ – Ảnh 3.
Kì thực, lớn lên một chút, bạn mới thấy vị hồng chín mùa thu có cái ngon rất riêng của nó. Hồng lúc này vừa chín tới, mềm nhưng không nát, cắn một miếng là thịt hồng ngập răng, vị ngon ngọt và hương thơm ngào ngạt khắp khoang miệng, sung sướng hơn hẳn hồng giòn tuy ngọt mà chẳng thơm. Hồng chín khá ngọt nên thường được nhâm nhi cùng một ấm trà sen, hoặc trà xanh, vậy là quá đủ cho một mùa Trung thu cũ.
Bánh chao
Tuy nhiên, thứ tôi ấn tượng nhất, mà cũng tìm kiếm mãi trong mùa Trung thu hiện đại là loại bánh “đầu thừa đuôi thẹo” với cái tên ngộ nghĩnh – bánh chao. Những ngày nay, mỗi khi nhìn hằng hà sa số các cửa hiệu bánh nướng bánh dẻo ngoài đường, hay thập diện mai phục các mẫu bánh hộp đem tặng, tôi lại ước gì người ta quay lại làm bánh chao, để không phải nhăn mày mỗi khi nghe hỏi: Sau mùa Trung thu, bánh nướng còn dư làm sao ăn hết?
Nhớ mùa Trung thu xưa ngoài bánh nướng bánh dẻo còn có những món quà chứa cả bầu trời tuổi thơ – Ảnh 4.
Đúng vậy, bánh chao chính là bánh nướng cũ được “tái chế” sau mùa trung thu. Khi đó, các lò bánh nhặt ra bánh còn thừa, cũ hoặc vỡ, cán dẹp ra rồi nặng thành những viên bánh tròn dẹt, chiên giòn, bỏ sỉ cho các tiệm tạp hóa. Bánh chao có mùi béo ngậy của mỡ, thơm của mè, ngọt ngọt mặn mặn đặc trưng của nhân bánh nướng, nhưng giá lại rẻ hơn nhiều. Ngày đó, một bọc bánh thế này có khoảng 10 – 20 chiếc, đủ cho trẻ con ăn thun thút cả buổi tối T rung thu.Nhà nào khéo tay hơn, không muốn ăn bánh cũ, thì sẽ tự làm bánh chao bằng nguyên liệu bánh nướng còn thừa. Về cơ bản, người ta chỉ cần cán dẹt phần bột bánh ra, trộn với đường, trứng, ngũ vị hương, mấy viên chao đỏ rồi chiên giòn.
Nhớ mùa Trung thu xưa ngoài bánh nướng bánh dẻo còn có những món quà chứa cả bầu trời tuổi thơ – Ảnh 5.
Chỉ thế thôi, nhưng bánh chao luôn có vị trí đặc biệt trong lòng bọn trẻ ngày đó. Làm sao mà một món ăn làm từ đồ thừa lại có thể gây thòm thèm và thương nhớ đến thế? Làm sao mà khi đã thử đủ nhân bánh thập cẩm, gà quay, bào ngư, vi cá, người ta lại chỉ nhớ cái vị bánh rán còn khét mùi dầu?
Và tôi tự hỏi, nếu Trung thu ngày bé là dịp để bày vẽ và xa hoa một chút, thì trong lễ Trung thu của người trưởng thành, chúng ta có nên học cách ăn “khổ” một chút, “đói” một chút, để biết quý những hương vị nguyên bản như thời con trẻ?
theo http://kenh14.vn