Thích ăn nhậu hơn cơm nhà, thích uống rượu thích làm những điều đòi hỏi 100% năng lượng, cô cử nhân bằng đỏ khoa Lịch sử bỏ ngang nghề báo để mở quán nhậu KIẾN!
Có gì ngại nhỉ, nếu thất bại, tôi trở lại nghề báo, chồng sẽ chạy xe ôm !
Có phải ham muốn nổi loạn đã thúc đẩy một cử nhân khoa Sử bằng giỏi nhảy sang làm báo rồi lại bỏ báo để làm chủ quán nhậu?
Cũng không hoàn toàn như vậy. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã luôn muốn thử sức trong kinh doanh. Năm lớp 10, tôi đã bán poster ca sĩ, diễn viên cắt ra từ các tờ báo nước ngoài. Thu nhập khá đến nỗi bố mẹ tôi phải cấm, vì sợ ham buôn bán, ảnh hưởng đến học tập. Tôi cũng từng đi bán hoa, bán hàng thuê cho cô cậu. Cho đến sau này, học gì, làm gì, tôi cũng luôn nghĩ: sau này mình sẽ làm kinh doanh, vấn đề chỉ là: khi nào sẽ là thời điểm thích hợp?
Vậy khi nào chị cho đó là thời điểm thích hợp?
Là lúc tôi thấy nghề báo vắt kiệt nhiều quá năng lượng của mình. Khi viết báo, tôi luôn muốn tạo ra sản phẩm tốt nhất, không phải sản phẩm tốt thứ hai. Viết về một nhân vật, tôi tìm tòi, nghiên cứu tất cả những tác phẩm, bài viết và sự thật xung quanh con người ấy. Mỗi con người đều khiến tôi bị ám ảnh một thời gian dài. Nhưng báo chí luôn đòi hỏi sự cập nhật tin bài liên tục – những năng lượng tôi tiêu hao chưa kịp được hồi phục thì tôi đã phải bước vào một trận chiến mới. Tôi bị cạn kiệt. Trong khi đó, đam mê kinh doanh trong tôi vẫn còn ngự trị. Tôi muốn mình phải làm được cái gì đó khác đi.
Sao chị lại chọn quán nhậu – một loại hình kinh doanh có vẻ như hơi kém tao nhã?
Khi ấy chồng tôi và những người bạn đang định mở quán ăn, nhưng quan niệm lại khác biệt. Các bạn thì muốn mở quán vỉa hè, đầu tư ít, vừa làm kinh doanh vừa làm việc, vợ chồng tôi lại muốn làm hết mình, có hệ thống và triết lí kinh doanh riêng. Vì không thống nhất được, tôi và chồng quyết định tách ra mở quán Kiến. Tôi bỏ làm báo trước, sau đó chồng tôi cũng bỏ Ngân hàng để ở nhà chăm sóc cho quán của mình.
Còn lí do mở quán nhậu, chắc một phần vì thứ mà tôi thích nhất là ăn nhậu. Tôi thèm ăn nhậu hơn cơm nhà. (cười). Tôi cũng nghĩ, mình sẽ thiết lập những điểm riêng – những nét rất nhân văn trong quán Kiến.
Bỏ quên bút danh Xuân Anh cũng đã bắt đầu có tên trong làng báo với những bài viết sắc sảo để tạo lập một loại hình kinh doanh mới mẻ và hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, chị quá liều lĩnh!
Đúng vậy! Tôi luôn tự nhận là mình có máu “liều”. Nhưng cái “liều” của Thùy Anh là liều đúng chỗ, đúng thời điểm, và đúng “Thùy Anh”. Tôi không bao giờ liều nếu đó là một sự may rủi mà người quyết định không phải là mình.
Nhưng giả sử, nếu quán Kiến thất bại chứ không thành công như bây giờ. Chị liệu có hối hận về cái liều của mình?
Trước khi mở quán, hai vợ chồng đã xác định, thất bại, tới bước đường cùng, tôi sẽ và chồng sẽ làm gì?. Tôi sẽ trở lại làm báo, còn chồng làm xe ôm. Như thế thì có gì là quá đau khổ mà phải sợ?
Kinh doanh – quan trọng là toàn tâm với nó
Chị xây dựng ở quán Kiến của mình những gì đặc biệt?
Tôi muốn tạo nên những điều lãng mạn và phi thực dụng trong cộng đồng Kiến, để biến nơi đây không đơn thuần chỉ là một quán nhậu. “Có đêm lúc 1 giờ sáng, tôi có gọi một cô bé nhân viên, được coi là “số 1” ở nhà hàng ra nói chuyện riêng. Tôi bảo rằng: “Mọi người đang sống trong một cộng đồng và cố gắng xây dựng nó trở nên tốt đẹp. Trong cộng đồng đó, không ai là số 1, ngay cả chị. Nếu bản thân em nghĩ em là số 1, thì sớm hay muộn người ra đi đầu tiên sẽ là em”.
Tại sao tôi lại nói vậy? Bởi một nhân viên được coi là “số 1″ sẽ gây bất đồng lớn trong tập thể. Từ tỵ nạnh, ganh ghét dẫn đến việc những nhân viên còn lại không muốn cống hiến nữa cho công việc. Bản thân mỗi con kiến đều rất bé nhỏ, yếu đuối, nhưng khi chúng đoàn kết, chúng sẽ trở thành những chiến binh dũng mãnh.
Mở quán nhậu trong khi không người giỏi nấu ăn, chị có gặp nhiều khó khăn trong chuyện thiết kế thực đơn và tìm món mới?
Tôi nghĩ, làm kinh doanh về lĩnh vực nào không có nghĩa mình phải giỏi về lĩnh vực đó, mà quan trọng là mình toàn tâm toàn ý với nó. Một năm nay từ khi mở Kiến, tôi luôn mơ về các món ăn, về công thức và hương vị của nó. Thậm chí trong mơ, tôi còn cảm nhận được rõ ràng như mình đang ăn món đó vậy. Tôi đầu tư cho Kiến 100% năng lượng, vì vậy cũng không mất nhiều thời gian để tôi có thể nếm thức ăn như một chuyên gia nếm sành sỏi nhất.
Khách đến Kiến chắc chắn cũng chưa bao giờ phải phàn nàn về món ăn của chúng tôi!.
Chị dự định sẽ phát triển Kiến đến mức nào?
Đến khi có 5 nhà hàng Kiến. Nếu làm việc mà không biết tới điểm dừng, mình sẽ trở thành nô lệ.
Tiền đơn giản là phần thưởng cho kẻ thắng
Người kinh doanh nào cũng muốn kiếm thêm thật nhiều tiền, chị chẳng lẽ lại là ngoại lệ?
Với tôi, tiền không phải thứ quan trọng nhất. Thứ làm tôi thấy giàu có và hạnh phúc là trải nghiệm – được đi, được sống nhiều cuộc đời, được làm những gì mình ấp ủ. Có những người đến năm 40 tuổi, tự dưng thích học guitar nhưng không dám đi, vì ngại, và cả đời họ không bao giờ biết đánh đàn. Tôi không thế. Với tôi, mỗi trải nghiệm đều là một kho báu. Tôi dành 100% năng lượng cho những trải nghiệm ấy, không san sẻ.
Trải nghiệm nào tác động mạnh mẽ nhất tới chị?
Mỗi chuyến đi trong cuộc đời, đều mang tới cho tôi một bài học lớn. Tôi nhớ lần đầu leo Fanxifan, đứng trên đỉnh Fan, tôi nghĩ: “Đất nước mình đẹp quá. Càng đi càng thấy đẹp”. Bởi vậy, dù có mất trắng tất cả tôi cũng không bao giờ nhảy lầu tự tử.
Hãy coi công việc là một cuộc đấu trí, đồng tiền chỉ là phần thưởng cho người chiến thắng. Nếu thua, hãy thử một cơ hội khác, một công việc khác, cuộc đời chẳng còn bao nhiêu thứ thú vị hơn đấy sao?
Chồng chị có đồng ý với quan niệm sống của chị không?
Chúng tôi gặp nhau trong một lần đi phượt. Anh ấy và tôi có nhiều điểm khác biệt, nhưng điểm chung là đều ham muốn trải nghiệm. Chúng tôi sống bình đẳng và tôn trọng những cái tôi trong nhau. Hơn nữa ông xã tôi là người rất rộng lượng, chấp nhận được những điều “dở hơi” của vợ.
Với cá tính muốn nổi loạn và giàu sáng tạo, liệu chị có tiếp tục nhảy từ làm quán nhậu sang làm một công việc khác?
Có thể lắm chứ, tôi không nói trước điều gì cả. Nhưng chắc tôi sẽ chỉ thay đổi hình thức kinh doanh chứ không phải ngành nghề. Đối với những người kinh doanh thực sự, ngành nghề không quan trọng, thứ quan trọng chính là phương pháp.
Có bao giờ chị nhớ nghề báo?
Có chứ! Khi tôi bắt đầu tạo dựng Kiến, điều tôi day dứt nhất là đam mê làm báo trong tôi vẫn còn. Nhưng với tôi báo chí chỉ là một cuộc chơi, mà cuộc chơi thì người ta không tính toán. Tôi vẫn ấp ủ dự định viết riêng cho mình một cuốn sách, để giải phóng những nhu cầu nội tại.
Chúc chị thành công với những dự định của mình!
Theo Yên Phong (Bài đăng trên tạp chí “Lửa Ấm”, số 06 phát hành ngày 6.12.2010)